Việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp riêng có của Quảng Ninh có vai trò hết sức quan trọng. Đây không chỉ là cơ sở, tiền đề để gìn giữ, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao mà còn tạo nhiều việc làm cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Khoảng chục năm trở lại đây, việc xây dựng thương hiệu được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân với số kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng một chương trình riêng về phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị các nông sản. Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là sự chuẩn bị tốt cho các sản phẩm đặc thù, nhất là nông sản của tỉnh để hội nhập kinh tế quốc tế, tạo cơ sở để các sản phẩm nông nghiệp tự tin cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.

Điển hình như Hội Nông dân tỉnh với vai trò nòng cốt đã tích cực giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong tỉnh. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân hơn 11 tỷ đồng cho 147 hộ nông dân vay thông qua 11 dự án, mô hình kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Liên Việt Postbank tín chấp cho nông dân vay gần 2.000 tỷ đồng phục vụ xây dựng, mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt trong năm 2023, Hội tiếp tục tổ chức chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh. Để được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh, mỗi sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí được quy định rõ trong Điều lệ bình chọn do Hội Nông dân tỉnh ban hành. Trong đó, bao gồm các nội dung như: Phải là sản phẩm chủ lực của địa phương, có chất lượng cao; có tính xã hội cao, độc đáo, mang tính phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; đạt các chứng nhận (chứng nhận ATTP hoặc tương đương, chứng nhận nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm OCOP); không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không phải là hàng giả, hàng nhái; có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... Qua quá trình chọn lựa, Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn 35 sản phẩm tiêu biểu để tôn vinh, trên tổng số 53 sản phẩm được 13 huyện, thị xã, thành phố đề cử; các sản phẩm đều có chất lượng, quy mô sản xuất được nâng lên rất nhiều, tạo tính lan tỏa cao trong xã hội.

Tương tự, từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm của 21 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán Việt Nam tại nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sở cũng có văn bản gửi các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách mới theo Lệnh 248, 249 được áp dụng từ 1-1-2022 quy định về “đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và “quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhằm tạo sự chủ động trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sang thị trường tiềm năng này.

Sở NN&PTNT cũng luôn đồng hành, ưu tiên nguồn lực và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ về máy móc, thiết bị trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm và chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy việc chế biến sạch, chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản của tỉnh. Định hướng lâu dài, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu để được cấp phép bổ sung doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu...

Có thể thấy, thông qua các hoạt động của các dự án xây dựng thương hiệu, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đã dần nhận thức được mục đích, ý nghĩa, cũng như vai trò của việc xây dựng thương hiệu nông sản đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với chương trình OCOP, từ chỗ chỉ có 48 sản phẩm năm 2013, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 566 sản phẩm, trong đó có 401 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng từ 3-5 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được dán tem truy xuất nguồn gốc; nhiều sản phẩm ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, cải thiện đáng kể về mẫu mã, bao bì, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn. Nhiều sản phẩm đã được các địa phương phát triển dựa trên lợi thế sẵn có, từ đó phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long... Doanh số bán hàng OCOP hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Chương trình đã được Trung ương ghi nhận và nhân rộng trên cả nước, đồng thời góp phần tích cực vào mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại Quảng Ninh.

Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng sản phẩm rất được chú trọng thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đã đưa 65 sản phẩm không đạt yêu cầu ra khỏi chu trình. Hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả, hội chợ OCOP tổ chức thường niên có doanh thu hàng tỷ đồng/ngày, kết nối vào các chuỗi bán lẻ, thương mại điện tử, mở rộng xúc tiến tại các thị trường trọng điểm trong nước và một số thị trường quốc tế.

Nguồn : https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/154417/phat-trien-thuong-hieu-cho-nong-san-dia-phuong